Đình Chánh Tân Kim. Nơi Thờ Tự Nghĩa Sĩ Họ Mai.
Đăng ngày 10:50:20 08/06/2024 bởi HỌ MAI MIỀN NAM
ĐÌNH CHÁNH TÂN KIM
Đình Chánh Tân Kim được dựng nên là biểu trưng cho làng xã, đáp ứng như cầu tinh thần của người dân. Theo hồ sơ di tích đình và lời kể của Ban Quản trị đình, bậc tiền hiền có công lập làng, dựng ấp ở vùng Rạch Cát xưa là ông Mai Văn Giã – một lưu dân từ miền Trung rời bỏ quê hương mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua bao đổi thay, ngôi đình nhiều lần dời vị trí, từ mái tranh, vách lá được chính thức xây dựng khang trang lại vào năm 1860 ở vị trí như hiện nay.
Hơn 150 năm, ngôi đình Chánh Tân Kim trải qua bao thăng trầm lịch sử và là minh chứng cho lòng yêu nước của người dân Tân Kim xưa nói riêng và vùng Cần Giuộc, Long An nói chung. Mái đình đó là nơi chở che, nuôi giấu bao cán bộ cách mạng ta. Người dân làng Tân Kim xưa có không ít tấm gương có lòng hướng về cách mạng, dù hy sinh bản thân cũng quyết tâm che giấu, bảo vệ cho cán bộ, chiến sĩ ta. Trong Hồ sơ di tích đình Chánh Tân Kim, nhiều cái tên được nhắc đến như một sự ghi ân những người dân đã hết lòng vì cách mạng: Nguyễn Văn Ba, Mai Văn Nhân, Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Văn Thành
Khi một số ấp trong xã Tân Kim bắt đầu dựng lên ngôi đình riêng của thôn họ để phân biệt với đình Thanh Câu, đình Thanh Hà, đình Long Phú cùng xã thì Đình Chánh Tân Kim cũng xuất hiện và được gọi đến bây giờ. Đình Chánh Tân Kim được xây dựng năm 1860 trên một khu đất cao ráo với tổng diện tích hơn 2.500m2, trong đó diện tích ngôi đình chiếm 341m2.
Buổi đầu, ngôi đình được dựng lên với vật liệu thô sơ bằng cây lá. Sau một thời gian, ngôi đình bị nước làm xói mòn nên dân làng dời lên mảnh đất ở ấp Tân Xuân. Về sau, có người họ Phạm ở Tân Kim hiến khu đất để dựng đình và tọa lạc cho đến ngày nay.
Đình Chánh Tân Kim là một quần thể gồm 3 ngôi nhà kế nhau theo lối Tứ trụ nối tiếp nhau theo thứ tự võ ca đến chánh điện và phía sau là nhà tiền vãng. Đình đã trải qua trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ được một phần hiện vật có từ thuở ban đầu.
Ngày 16-17/1 âm lịch hàng năm trong dịp lễ cúng Kỳ Yên ngoài mâm xôi cúng tiền hiền họ Mai- người có công khẩn đất lập làng còn có mâm xôi cúng họ Phạm- người có công hiến đất cho đình. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngôi đình là nơi che chở cán bộ bí mật, là địa điểm trung tâm trong hội họp, truyền đạt giao nhận mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên và là đầu mối giao lưu liên lạc từ đây tỏa đi các nơi Rừng Sát, Vườn Thơm, Sài Gòn.
Đình Chánh Tân Kim là di tích lịch sử gắn liền với việc đi khai hoang mở đất, lập làng của ông tiền hiền họ Mai (Mai Văn Giã) từ miền Trung vào tận miền đồng bằng Sông Cửu Long và cũng là nơi lưu dấu cơ sở hoạt động cách mạng đáng tin cậy trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Với những giá trị lịch sử đó, Đình Chánh Tân Kim được Ủy Ban nhân dân tỉnh Long An công nhận di tích cấp tỉnh tại Quyết định số: 400/QĐ.UB ngày 22 tháng 02 năm 1997.
Di tích lịch sử Đình Chánh Tân Kim ở ấp Tân Xuân, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc là một di tích lịch sử gắn liền với việc đi khai hoang mở đất lập làng của ông Tiền hiền họ Mai (Mai Văn Giã) từ miền Trung vào tận miền đồng bằng sông Cửu Long này. Công lao to lớn ấy được dân làng ghi nhớ và theo truyền thống, ông được thờ trong chánh Điện của đình với bài vị "Tiền hiền khai khẩn", hàng năm được dân làng tổ chức cúng vào dịp lễ Kỳ Yên.
Có thể gọi đình Chánh Tân Kim là một ngôi cổ đình vì nó đã tồn tại tính đến nay là 136 năm kể từ năm xây dựng 1860. Tuy đã có trùng tu ở Võ ca và Chánh điện nhưng vẫn còn giữ được yếu tố kín ở ngôi hậu sở. Và những hiện vật bài trí ở trong đình như câu đối, hoành phi, khánh thờ, linh vị cũng có niên đại trên dưới 100 năm.
Đình là một trong những thành tố của thiết chế văn hóa làng xã truyền thống. Tuy đối tượng thờ phụng trong đình có nhiều thành phần khá phức tạp nhưng đối tượng quan trọng vẫn là Thành Hoàng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã trở thành mái nhà chung chở che bảo vệ cho cán bộ đi về trú ẩn, hoạt động bí mật, là điểm hội họp và trao đổi những thông tin mật hiệu liên tục với những vùng căn cứ lân cận
Ngày 16 tháng Giêng hàng năm là ngày hội đình Tân Kim (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) – nơi thờ nghĩa sĩ trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.
Đình Tân Kim (Cần Giuộc, Long An) là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh của Long An, được xây dựng hơn 200 năm, đồng thời cũng là một căn cứ hoạt động cách mạng, từ thời các nghĩa sĩ Cần Giuộc cho tới sau này.
Theo một số cụ trông coi đình và cán bộ phòng Văn hóa huyện, đình Tân Kim hiện nay đang thờ cụ Mai Văn Phận, người con của Tân Kim, đã trực tiếp chỉ huy trận đánh đồn Pháp và anh dũng hy sinh, được cụ Nguyễn Đình Chiểu mô tả trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: "Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không/Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có".
Đình Tân Kim cũng là nơi nuôi giấu cán bộ và tổ chức các hoạt động cách mạng. Hiện nay, trong đình đang thờ 10 mẹ Việt Nam Anh hùng của xã Tân Kim.
Đình Tân Kim trong thời kỳ kháng chiến có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Rất nhiều cán bộ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Đình làng có mộ của cụ Mai Văn Giã là thủy tổ sáng lập Tân Kim. Theo gia phả, cụ từ miền Trung vào miền Nam lập nghiệp và tập hợp dân làng "biến rừng hoang thành ruộng đồng trù phú".
Cháu 5 đời của cụ Mai Văn Giã là ông Mai Văn Phận, theo Trương Định chống Pháp tại khu vực Cần Giuộc (Long An). Ông Phận trực tiếp chỉ huy các trận đánh đi vào sử sách, là cảm hứng để cụ Đồ Chiểu viết "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc". Khi ông Mai Văn Phận hy sinh, người dân suy tôn ông là một vị thần, được thờ tại đình Tân Kim và một số nơi khác.
Đình Tân Kim, ngoài thờ nghĩa sĩ Cần Giuộc thời Trương Định còn thờ nhiều liệt sĩ thời chống Pháp, chống Mỹ.
Ông Mai Văn Đực là hậu duệ của nghĩa sĩ Cần Giuộc Mai Văn Phận. Ông nói: "Chúng tôi tự hào bởi tổ tiên, dòng họ đã cống hiến hết mình cho quê hương Long An, cho đất nước Việt Nam".
Nguồn sưu tầm nhiều tài liệu.
CÁC TIN LIÊN QUAN
Danh sách Video
Kết nối Facebook