DI TÍCH NHÀ LƯU NIỆM MAI HÒE
Đăng ngày 08:06:19 15/05/2023 bởi HỌ MAI MIỀN NAM
Nhà lưu niệm Mai Hòe được xây dựng lại từ những năm 50 của thế kỷ XX. Ngôi nhà là nơi ở của gia đình Mai Hòe đã trở thành ngôi nhà lịch sử, che chở và là nơi hoạt động của nhiều chí sĩ cách mạng trong giai đoạn Tân Việt cách mạng Đảng ra đời và cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931. Nơi đây đã trở thành địa điểm bí mật để các chiến sĩ cách mạng gặp gỡ, họp bàn để vạch ra các kế hoạch biểu tình đòi giảm tô, giảm thuế và cũng là nơi nuôi dấu các chiến sĩ ở các nơi xa đến hoạt động và giác ngộ tinh thần yêu nước cho nhân dân trong vùng. Hiện nay là nơi thờ tự và nhiều thế hệ lão thành cách mạng trong gia đình.
Nhà lưu niệm Mai Hòe
Trải qua bao thời gian, lại ở vào miền đất ven biển, khí hậu khắc nghiệt, cho nên di tích đã bị xuống cấp và đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Lần gần đây nhất là năm 2018, con cháu đã tôn tạo xây dựng lại toàn bộ tường bao quanh, liếp gỗ trên phần mái và hệ thống cửa chính, cửa sổ. Nhà lưu niệm được phân bố ở khu dân cư đông đúc tại thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, di tích gồm các hạng mục như: cổng, sân, nhà biện lễ và nhà lưu niệm.
Nhà lưu niệm có diện tích 38,28m2, kết cấu đơn giản hai hồi bít đốc được xây bằng gạch, phía trước đổ bằng một phần trước hiên xây trụ và tường gạch cao đỡ mái tạo thành hành lang rộng và thoáng mát. Hệ thống vì kèo được làm bằng gỗ lim. Xà ngang gác lên tường chia thành 3 gian, phía dưới mái được liếp ván gỗ trên, phía trên mái lợp ngói máy đỏ. Hệ thống cửa có 1 cửa chính và 2 cửa bên được làm bằng chất liệu gỗ lim. Cửa chính có kích thước 3,07m x 1,6m. Hai cửa bên có kích thước 2,95m x 1,6m.
Gian chính giữa đặt bàn thờ gỗ có kích thước 1,95m x 1,6m, trên bàn thờ bài trí các đồ thờ tự như long ngai, bài vị Mai Hòe, bát hương, hộp quả, cọc nến, ống hương… bức ảnh Mai Hòe và các con là những liệt sỹ, nhà hoạt động, cán bộ lão thành cách mạng.
Theo một số tài liệu: Lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc (1930 – 2000), Những bông hoa trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (Hồi ký cách mạng tập III – Ban nghiên cứu Lịch sử đảng Hà Tĩnh – Xuất bản năm 1969); Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lộc (1930- 2010); Lịch sử làng Đỉnh Lữ, bản trích lục hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Quyết định số 697/QĐ-TU ngày 10/10/2011 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, gia phả dòng họ Mai và một số vị lão thành cách mạng ở xã Tân Lộc, Bình An, Phù Lưu thuộc huyện Lộc Hà, Mai Hòe có tên khai sinh là Mai Phồ, bí danh là Quyền Vinh. Nguyên quán làng Đỉnh Lữ, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong quá trình hoạt động ông lấy tên Mai Đình Hòe, sinh năm 1864 và mất năm 1952. Ông tham gia phong trào Cần Vương. Khi thất bại, ông bị truy nã nên đổi tên thành Mai Đình Hòe. Song thân của ông là Mai Dị và Nguyễn Thị Yên. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, nho học, lớn lên trong trong hoàn cảnh đất nước trở thành một nước thuộc địa – phong kiến. “…Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (7/1885) nhân dân xã Tân Lộc cùng với nhân dân Hà Tĩnh đã nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Phong trào Cần Vương nổ ra mạnh mẽ khắp cả nước kéo dài từ năm 1885 đến năm 1895. Trong đó, cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) do Phan Đình Phùng lãnh đạo là tiêu biểu nhất, lớn nhất, quyết liệt nhất và kéo dài nhất trong 4 tỉnh (Thanh-Nghệ-Tĩnh- Bình). Huyện Can Lộc nói chung, xã Tân Lộc nói riêng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Tại đây, nghĩa quân có một đội quân lớn gọi là “Can thứ”- là một trong 15 đội quân binh của khởi nghĩa Hương Khê. Nhân dân Tân Lộc không những gia nhập nghĩa quân mà còn tích cực đóng góp lương thực, của cải nuôi quân khởi nghĩa” . Là một sỹ phu uy tín và yêu nước, Mai Hòe đã đóng vai trò vận động, động viên tầng lớp thanh niên trong làng tham gia phong trào Cần Vương, đã cùng với một số quần chúng nhân dân không những gia nhập nghĩa quân mà còn tích cực đóng góp lương thực, vũ khí cho nghĩa quân. Trong phong trào Cần Vương, Mai Hòe giữ chức suất đội và có nhiều ảnh hưởng đối với phong trào đấu tranh yêu nước. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo tuy bị thất bại do chưa có đường lối đấu tranh đúng đắn nhưng là cuộc khởi nghĩa đã để lại những dấu ấn sâu sắc và những kinh nghiệm quý giá cho các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta trong giai đoạn tiếp theo.
Vào những năm đầu của thế XX, hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh phát động và phong trào Đông Du (1905-1909) do Phan Bội Châu đề xướng, được sự hưởng ứng đông đảo của giới sĩ phu và dân chúng, phong trào ngày càng phát triển mạnh, nhất là trong các trường học nổi tiếng ở vùng Nghệ – Tĩnh. Trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, cùng với nhiều thanh niên ở Trung Kỳ, tỉnh Hà Tĩnh cũng có một số người yêu nước đã tham gia các tổ chức này như Nguyễn Đình Hiệp, Hoàng Hoan, Mai Đình Hòe (Tân Lộc)….
Từ lúc Tân Việt cách mạng Đảng ra đời cho đến khi Đảng Cộng sản Việt nam ra đời và lãnh đạo, một việc làm thường xuyên của Mai Hòe là liên lạc, tiếp xúc với cán bộ, đặc biệt là giúp đỡ họ về mọi mặt, không quản gian nguy, khó khăn. Ông cùng với đồng chí Hoàng Khoái Lạc, Phan Gần công khai đứng ra tổ chức nói chuyện về nhà ái quốc Sào Nam Phan Bội Châu.
Trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, Đỉnh Lữ là một trong những chi bộ được thành lập đầu tiên trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1927, Mai Hòe tham gia phong trào Tân Việt và lãnh đạo phong trào này. Nhiều đảng viên của đảng Tân Việt đã về hoạt động tại nhà ông Mai Hòe và đã chọn được một số thanh niên yêu nước đua sang Thái Lan học tập và hoạt động cách mạng, nhà riêng Mai Hòe đã trở thành địa điểm bí mật để cho cơ quan in ấn truyền đơn, các chiến sĩ cách mạng gặp gỡ, họp bàn để vạch ra những kế hoạch biểu tình, giảm tô, giảm thuế và đây cũng là nơi “… nuôi dấu che chở nhiều đồng chí Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy trong thời kỳ 1930- 1931" và cán bộ các chiến sĩ từ nơi khác đến hoạt động.
Mai Đình Hòe
Năm 1929 đến 1931, ông là tổ trưởng đội cứu tế đỏ, tổ chức vận động quần chúng biểu tình tại huyện Can Lộc, giới thiệu người vào Đảng. Bốn người con của ông đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt nam (1930 – 1931). Năm 1931 đến 1936, ông tham gia tổ chức cho các cán bộ trung kiên của Đảng rải truyền đơn, giao lưu với các huyện bạn. Năm 1936 đến năm 1939, ông đã bắt nối tổ chức lại phong trào cách mạng. Năm 1939 đến 1945, ông trực tiếp tham gia kế hoạch giành chính quyền
ở Can Lộc trước tháng 8 năm 1945; “ Tháng 9 năm 1943, ông Mai Hòe bị địch bắt vì là cựu lý trưởng bị tố giác đã thăm nuôi đồng chí Chu Huệ, tù cộng sản vượt ngục đang bị truy nã. Tháng 2/1944, Tòa án Nam Triều tỉnh Hà Tĩnh kết án ông 01 năm tù giam cho hưởng án treo” [3]. Ngoài hoạt động cách mạng, Mai Hòe còn là người rất giỏi chữ Hán, chữ Nôm, ông thường sáng tác thơ ca, hò vè để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ tinh thần yêu nước cho thanh niên và nhân dân trong vùng. Hiện nay chỉ còn một số bài như: Điếu con liệt sĩ Mai Trác, Cha khuyên con, Vịnh con chim câu, thơ chữ hán đề ảnh…
Trải qua những năm hoạt động cách mạng gian khó, bị bắt và tù đày ông vẫn một lòng trung kiên theo cách mạng. Đặc biệt, ông là người cha cùng vợ Nguyễn Thị Kim đã sinh thành, nuôi nấng và dạy dỗ những người con thành tài, đóng góp công lao làm rạng danh cho quê hương và đất nước. Trong gia đình ông có tới 13 người là con, cháu, dâu, rể trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, ba người có công cung cấp gạo, tiền để nuôi chiến sĩ cách mạng. Hiện nay, gia đình Mai Hòe đã có 10 người được công nhận là lão thành cách mạng thời kỳ những năm 1930 – 1931. Trong 13 người tham gia cách mạng, ngoài Mai Hòe còn có 7 người con gồm Mai Thị Vinh, Mai Thát, Mai Cát, Mai Thị Từ, Mai Đỉnh, Mai Trác, Mai Thị Chín, 2 người con dâu là Bùi Thị Tín và Nguyễn Thị Duyến, 1 người con rể là Hoàng Kỳ, 3 người cháu là Bùi Thính, Nguyễn Duyệt, Nguyễn Ca. Năm 1930, tổ chức Đảng tại Can Lộc đã đặt 2 địa điểm thường xuyên đọc sách báo là nhà Mai Hòe và nhà Hoàng Khoái Lạc, các tổ Nội hội đỏ trở thành trường học bình dân. Tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn do Mai Trác làm Bí thư, hội Phụ nữ do Mai Thị Từ làm Chủ tịch. Trong 13 người tham gia hoạt động cách mạng thì có 7 người bị địch bắt tù đày và tra tấn giã man, có người bị địch bắt đến 3 lần như Mai Cát, Mai Đỉnh, Mai Trác.
Mai Thát là một người yêu nước, đã ủng hộ cách mạng rất nhiều tài sản như thóc gạo và tiền. Ông còn nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng trong gia đình, các anh chị em của ông đều tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1961, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2/9, gia đình ông được tặng bằng Gia đình có công với nước.
Mai Cát là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, bị giặc truy lùng gắt gao nên đã sang Xiêm (Thái Lan) một thời gian sau đó về nước hoạt động được bầu làm Bí thư Chi bộ Đỉnh Lữ. Sau một thời gian hoạt động, ông lại bị địch bắt và đày vào nhà lao Buôn Mê Thuột. Khi mãn hạn tù, đồng chí lại trở về bắt mối để xây dựng lại cơ sở Đảng tại địa phương, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng đến ngày giành chính quyền năm 1945. Đồng chí Mai Cát là Bí thư huyện đầu tiên của huyện Can Lộc.
Mai Đỉnh là em của đồng chí Mai Cát. Tham gia hoạt động cách mạng lúc 17 tuổi, sau thời gian hoạt động bị lộ, thực dân Pháp truy lùng ráo riết nên phải trốn sống trong rừng sâu ở núi Hồng Lĩnh để hoạt động. Một thời gian sau, ông bị bắt và bị cột hai chân treo ngược lên trên đầu xuống dưới. Sau 3 ngày thì 2 người cùng bị bắt với Mai Đỉnh chết, riêng đồng chí một mực không khai báo nên bọn giặc lại tra tấn dã man hơn là nung lưỡi cày trong lửa sau đó ép vào người và cắt đứt gót chân, thậm chí chúng còn cho quân lính về phá nhà, cướp thóc của nhà đồng chí Mai Đỉnh.
Mai Trác là con trai út của Mai Hòe, hoạt động cách mạng từ rất sớm, được chi bộ giao nhiệm vụ là Bí thư thanh niên Cộng sản Đoàn nhằm giác ngộ những người trẻ tham gia cách mạng. Mai Trác đã bị giặc bắt, tra tấn dã man và mất tại nhà lao Can Lộc.
Hiện nay, nhiều gia đình con cháu ông Mai Hòe đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, ghi nhận. Mười người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng. Mai Hòe được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương độc lập, 4 người con của ông được truy tặng Huân chương độc lập, 6 người là con, con dâu, cháu được UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương độc lập, 1 người là liệt sĩ, 1 gia đình được tặng bằng khen có công với nước. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, các thế hệ hôm nay cũng có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực. Việc nghiên cứu, bảo lưu, phát huy giá trị di tích cũng chính là sự thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, ghi nhận và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và viết tiếp trang sử ghi công những đóng góp của các thế hệ gia đình Mai Hòe cho cách mạng và đất nước./.
Nguồn : Bảo tàng Hà Tĩnh
CÁC TIN LIÊN QUAN
Danh sách Video
Kết nối Facebook