Họ Mai Miền Nam

Quy chế hoạt động của Hội đồng dòng tộc họ Mai

Đăng ngày 01:00:53 24/03/2023 bởi HỌ MAI CẦN THƠ

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÒNG TỘC

 

Căn cứ vào điều kiện hiện tại và tương lai, sự nhất thiết trongDòng tộc,  với sự tiến bộ phát triển của xã hội thực tại;

Quy chế này quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dòng tộc họ Mai.

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1

Hội đồng Dòng tộc là một tổ chức xã hội, do Dòng tộc Họ Mai thành lập. Số thành viên của Hội đồng do Dòng tộc quy định.

Hội đồng Dòng tộc có một số thành viên làm việc theo quy ước riêng của Dòng tộc theo quy định của Nhà nước. 

 

Điều 2

Hội đồng Dòng tộc có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Thẩm tra diễn biến các vấn đề trong Dòng tộc đã xảy ra thời gian vừa qua và sắp tới, liên quan đến vấn đề Dòng tộc;

2- Giám sát việc thực hiện theo Nội Quy Dòng tộc và theo Pháp Luật của Nhà Nước;

3- Kiến nghị với Dòng tộc những vấn đề thuộc quyền lợi Dòng tộc, về phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội; 

4- Trình ý kiến về các vấn đề mà Dòng tộc đang quan tâm đề ra sáng kiến của mình ra trước Dòng tộc;

5- Tham gia ý kiến vào các quyết định của Dòng tộc về trách nhiệm và quyền lợi đối với Dòng tộc trước khi  đề ra yêu cầu cụ thể;

6- Kiến nghị việc bổ sung, thay đổi thành viên của Hội đồng Dòng tộc. 

 

Điều 3

Hội đồng Dòng tộc tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Khi Hội đồng Dòng tộc quyết định vấn đề thuộc về một Dòng tộc mà Gia tộc đó không tán thánh thì Hội đồng sẽ đề nghị Cơ Quan Pháp luật Nhà nước xử lý theo Pháp luật.

Trong trường hợp Hội đồng Dòng tộc bàn quyết định vấn đề thuộc một Gia tộc nào đó không có đại diện trong Hội đồng Dòng tộc tham dự, thì phải tham khảo ý kiến của đại diện Dòng tộc đó trước khi quyết định.

 

Điều 4

Hội đồng Dòng tộc chịu trách nhiệm và báo cáo hoạt động của mình trước Dòng tộc vào dịp Giỗ Tổ hàng năm (mùng 02 tết); 

 

 

CHƯƠNG II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÒNG TỘC

 

Điều 5

Từng Gia tộc sẽ cử thành viên tham gia Hội đồng Dòng tộc; Hội đồng Dòng tộc sẽ Quyết định bầu Trưởng tộc, các Phó tộc và Thư ký. Khi cần thiết, Hội đồng Dòng tộc có thể bầu bổ sung hoặc thay đổi thành viên của Hội đồng Dòng tộc.

 

Điều 6

Trưởng tộc, các Phó Trưởng tộc, Thư ký và một số thành viên được Hội đồng Dòng tộc bầu lên làm việc vì tinh thần trách nhiệm trong Dòng tộc, không có thụ hưởng quyền lợi nào cả.

 

Điều 7

Trưởng tộc, có nhiệm vụ điều hành công việc chung thường xuyên của Hội đồng; Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng và thường trực Hội đồng; mời đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp; thay mặt Hội đồng trong quan hệ với Chính quyền địa phương và Dòng tộc họ Mai Anh em trong vùng; Tham gia các cuộc họp do Trưởng tộc quyết định. Hội đồng Dòng tộc và các thành viên; tham gia các phiên họp của Dòng tộc bàn về việc thực hiện các vấn đề quan trọng trong Dòng tộc.

Phó Trưởng tộc thường trực Hội đồng phụ trách Quản trị tài vụ có nhiệm vụ chăm sóc, quản lý gìn giữ bảo quản đền thờ Dòng tộc, trang nghiêm, khang trang, tiếp đón khách trong và ngoài Dòng tộc khi về đến thăm giếng; Có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất cho các kỳ họp Hội đồng Dòng tộc hàng năm vào dịp Cúng giỗ tổ Cửu quyền mùng 02 tết; Thông tin cần thiết về hoạt động của Hội đồng cho thành viên Hội đồng, giải quyết công việc thường xuyên, đột xuất của Hội dồng và có trách nhiệm báo cáo với Hội đồng tại phiên họp lần sau. 

 

Điều 8

Phó Trưởng tộc, Hội đồng Dòng tộc phụ trách ngoại giao, giúp Trưởng tộc thực hiện nhiệm vụ được giao phụ trách một số công tác của Hội đồng như công tác đối ngoại, pháp lý, pháp chế;  

Điều 9

Thành viên Hội đồng Dòng tộc có trách nhiệm tham gia hoạt động của Hội đồng; thực hiện nhiệm vụ công tác được Hội đồng giao; giữ mối liên hệ thường xuyên với Hội đồng cùng các thành viên trong Gia tộc của mình, tham gia góp ý và báo cáo về vấn đề Hội đồng yêu cầu và uỷ viên quan tâm.

Thường trực Hội đồng có trách nhiệm tạo điều kiện cho các Thành viên của Hội đồng hoạt động.

 

Điều 10

Hội đồng Dòng tộc thành lập với thống nhất trong Dòng tộc; Từng Gia tộc giới thiệu thành viên tham gia Hội đồng Dòng tộc; Nhưng phải được sự thống nhất trong Dòng tộc; Các thành viên trong Hội đồng Dòng tộc hoặc Trưởng, phó tộc, không nhất thiết phải cao tuổi; Mà tiêu chuẩn của các thành viên và chức danh này phải là người có tâm quyết trong Dòng tộc, có trình độ trí thức hiểu biết về đạo lý, đạo pháp và Pháp luật xã hội có uy tính trong Dòng tộc và ngoài xã hội, có tinh thần và trách nhiệm cao.

 

Điều 11

Hội đồng Dòng tộc có thể mời đại diện các Dòng tộc Họ Mai Anh Em trong vùng và các thành viên không nhất thiết phải họ Mai nhưng là người trong Dòng tộc; Theo Gia Phả lấy theo họ của Cha cùng tham gia tạo điều kiện thuận lợi cho những người được mời tham gia hoạt động của Hội đồng Dòng tộc.

 

Điều 12

Căn cứ vào điều kiện thực tế Hội đồng Dòng tộc, xây dựng kế hoạch hàng năm và báo cáo bằng văn bản hoặc thông tin liên lạc cho từng thành viên biết đề tuân thủ làm theo.

  

Điều 13

Hội đồng Dòng tộc có quyền yêu cầu các thành viên trong Dòng tộc trình bày những vấn đề có liên quan đến Dòng tộc để Hội đồng xem xét, thẩm tra. Người nhận được yêu cầu của Hội đồng Dòng tộc phải đáp ứng theo yêu cầu.

   

Điều 14

Khi cần thiết, Hội đồng Dòng tộc cử thành viên của mình đến cơ quan chức năng Nhà nước, để xem xét vấn đề mà hội đồng quan tâm. Cử các thành viên trong Dòng tộc có trình độ tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc ở địa phương các cấp để được tham gia xin ứng cử vào các hoạt động Tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận đoàn thể… Theo quy định của Pháp luật; Có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để thành viên của Hội đồng thực hiện tốt nhiệm vụ.

 

Điều 15

Hội đồng Dòng tộc xem xét yêu cầu có liên quan đến Dòng tộc, những mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng trong Dòng tộc; nhằm tuyên truyền giải thích nhắc nhỡ nhau xoá bỏ nghi kỵ ích kỷ với nhau để tạo sự đoàn kết trong Dòng tộc.  

 

Điều 16

Các thành viên của Hội đồng có trách nhiệm tham dự họp của Hội đồng Dòng tộc, một năm một lần theo định kỳ, nếu có vấn đề đột xuất sẽ thông báo; Trong trường hợp không tham dự được phải báo cáo lý do với Trưởng tộc.

Biên bản và hồ sơ được lập và lưu trữ theo quy định tại Nhà thờ Dòng tộc.

 

 

 

CHƯƠNG III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG DÒNG TỘC

  

Điều 17

Trong hoạt động của mình, Hội đồng Dòng tộc chịu sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, theo khuôn khổ pháp luật cho phép, điều hoà, phối hợp hoạt động với tổ chức Mặt trận địa phương.

 

Điều 18

Hội đồng Dòng tộc phối hợp với tổ chức ở địa phương và các tổ chức khác trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần xây dựng tiên tiến về mọi mặt để cùng xã hội phát triển.

 

Điều 19

Hội đồng Dòng tộc có trách nhiệm tiến hành các hoạt động thực tế trong  Dòng tộc như gây quỷ ủng hộ nhau trong Dòng tộc gặp khó khăn về vật chất lẫn tinh thần.

  

CHƯƠNG IV
HIỆU LỰC THI HÀNH

 

Điều 20

Quy chế này của Hội đồng Dòng tộc Họ Mai đã được thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng Dòng tộc lần 1, ngày 01 tháng 4 năm 2011.

Có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua trong phạm vi trong Dòng tộc

 

CÁC TIN LIÊN QUAN

Họ Mai Miền Nam

Địa chỉ: 178 , Đường Trường Sa, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TPHCM

Điện thoại: 0985918581 - Email: homaimiennam@gmail.com

Ứng dụng họ Mai Việt Nam:
Ứng dụng Android Họ Mai Việt Nam Ứng dụng IOS Họ Mai Việt Nam Website Họ Mai Việt Nam